Sự kiện Bánh mì Việt Nam trong văn hóa đại chúng

Năm 2011, thuật ngữ "banh mi" đã được công nhận trong Từ điển tiếng Anh Oxford kèm theo ghi chú "Là loại sandwich của Việt Nam gồm một chiếc bánh mì (theo truyền thống được nướng bằng cả bột gạo lẫn bột mì) với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, thường là thịt, rau ngâm và ớt."[34][35] Hơn mười năm sau, món bánh tiếp tục xuất hiện trong từ điển của Merriam-Webster với định nghĩa là một loại sandwich thường có vị cay trong ẩm thực Việt Nam.[36] Cùng với đó, nó còn góp mặt trong những từ điển khác như Từ điển tiếng Anh Collins[37] hoặc Từ điển Di sản Hoa Kỳ về Ngôn ngữ Anh.[38]

Tháng 5 năm 2018, giải thưởng James Beard được tổ chức và tiệm bánh Đông Phương đã giành chiến thắng ở hạng mục "James Beard Foundation America's Classics".[39][40] Trong khuôn khổ Miss Universe của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 tại Thái Lan, H'Hen Niê đã mặc một chiếc váy có hình giỏ bánh mì, qua đó thu hút được nhiều sự chú ý ở cả trong lẫn ngoài nước.[41][42] Ý tưởng cho mẫu váy này đến với nhà thiết kế Phạm Phước Điền khá bất ngờ, giữa lúc anh đang cạn ý tưởng. Anh kể "Trong một buổi đi làm về, tôi thấy hình ảnh người nước ngoài đứng xếp hàng mua bánh mì và thưởng thức trong sự vui vẻ, hạnh phúc. Thế là tôi đặt bút vẽ với quyết tâm quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam ra thế giới".[43]

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhằm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh, giới thiệu rộng rãi hơn đến bạn bè và du khách quốc tế về nét đặc sắc của bánh mì Việt Nam thông qua tuần lễ "Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn", bắt đầu diễn ra từ ngày 24 đến 31 tháng 3 năm 2020. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động về chiến dịch truyền thông "Du lịch ẩm thực" Thành phố Hồ Chí Minh - Giai đoạn 1 mang tên "Bánh mì Sài Gòn." Tuần lễ này đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của rất nhiều doanh nghiệp du lịch, thương hiệu bánh mì, doanh nhân cũng như các văn nghệ sĩ.[44][45] Vào ngày 25 tháng 2 năm 2020, trong khi cách ly 20 người Hàn Quốc tại Việt Nam để phòng bệnh virus corona 2019, khu cách ly đã cung cấp cho họ món bánh mì thịt và bỗng chốc món ăn này trở thành tâm điểm chú ý một lần nữa bởi vì thái độ của người ăn.[46] Ngày 24 tháng 3 cùng năm, Google Doodle đã tổ chức tôn vinh bánh mì Việt Nam giữa đại dịch COVID-19 trên trang chủ ở nhiều quốc gia,[24][25] ngoài ra đây cũng là thời điểm mà bánh mì được đưa vào từ điển Oxford 9 năm về trước.[47]

Vào tháng 10 năm 2022, nhiều hiệp hội, trường đại học và công ty đã bắt tay thực hiện một hội thảo khoa học mang tên "Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia", với mục đích góp phần quảng bá văn hóa bản địa cũng như thúc đẩy kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.[48] Hội thảo quy tụ sự tham gia của hơn 1.000 người, từ những đầu bếp nổi tiếng trên thế giới cho đến đội ngũ chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, cùng các giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học khác nhau.[49] Tại đây, các khách mời trình bày tham luận theo 4 chủ đề khác nhau, từ lịch sử hình thành món ăn cho đến sức hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới.[50]

Năm 2023, Hiệp hội Du lịch và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ hội bánh mì Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 30 tháng 3 đến hết ngày 2 tháng 4 và quy tụ 120 gian hàng của các đơn vị nhà hàng, tiệm bánh cũng như nhà cung cấp hàng đầu tại thành phố.[51][52] Ngoài bánh mì truyền thống, các loại bánh mì que, bánh mì Pháp hoặc những biến tấu theo nhiều phong cách khác nhau cũng được giới thiệu tại đây.[53] Trong buổi tổng kết, người ta ghi nhận rằng lượng khách tham dự lễ hội đã chạm mốc 100.000 người, vượt xa kỳ vọng của ban tổ chức.[54] Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM – cũng chính thức công bố đề xuất việc lấy ngày 24 tháng 3 làm "Ngày bánh mì Việt Nam".[55][56]

Tháng 8 năm 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận mô hình tháp bánh mì trưng bày tại Lễ hội ẩm thực Festival biển Nha Trang là "Mô hình thác bánh mì lớn nhất Việt Nam".[57] Tác phẩm được tạo thành từ hơn 800 ổ bánh mì đặc ruột với kích thước từ 10–60 cm,[57] qua đó giúp nó đạt chiều cao 3,2 m và chiều dài 6 m.[58] Vào cuối tháng 9 cùng năm, đội ngũ đầu bếp và thợ bánh của công ty TNHH liên doanh SAF–Việt đã cho ra lò ổ bánh mì khổng lồ với chiều dài gần 1,7 m, rộng hơn 0,5 m, cao 0,3 m và đạt cân nặng đến 11 kg, được công nhận là ổ bánh mì lớn nhất từng được thực hiện.[59][60]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bánh mì Việt Nam trong văn hóa đại chúng https://tuoitre.vn/du-lich/chuyen-xua-chuyen-nay-b... https://tuoitre.vn/vua-banh-mi-va-banh-mi-ong-mau-... https://tuoitre.vn/xem-banh-mi-ong-mau-co-the-khan... https://tuoitre.vn/banh-mi-khong-cua-dat-g-va-du-u... https://tuoitre.vn/banh-mi-sai-gon-dac-biet-thuong... https://tuoitre.vn/google-doodle-vinh-danh-banh-mi... https://tuoitre.vn/ngam-nhung-o-banh-mi-that-dep-t... https://tuoitre.vn/giang-vien-han-quoc-xin-loi-ngu... https://web.archive.org/web/20240216204628/https:/... https://web.archive.org/web/20240219182250/https:/...